Vết cacbon, theo wikipedia, được định nghĩa là:
“Tổng khí thải được tạo ra bởi một cá nhân,một sự kiện hay tổ chức, hoặc trong sản xuất, được diễn giải như là Cacbon tương đương.“
(wikipedia tiếng Việt)
Mọi hoạt động của chúng ta, từ đi lại, ăn uống, xây dựng, trồng trọt, nghỉ dưỡng,… đều sẽ thải ra một lượng khí vào môi trường. Tổng khí thải trong phép tính vết cacbon ở đây được hiểu là khí thải nhà kính. Vậy các khí thải nhà kính là những khí nào?
Khí nhà kính là những khí có khả năng hấp thụ các bức xạ sóng dài (hồng ngoại) được phản xạ từ bề mặt Trái Đất khi được chiếu sáng bằng ánh sáng mặt trời, sau đó phân tán nhiệt lại cho Trái Đất, gây nên hiệu ứng nhà kính. Các khí nhà kính chủ yếu bao gồm: hơi nước, CO2, CH4, N2O, O3, các khí CFC.
Tỷ lệ phần trăm các khí gây hiệu ứng nhà kính:
Khí | Công thức | Tỷ lệ đóng góp (%) |
---|---|---|
Hơi nước | H2O | 36 – 72% |
CO2 | CO2 | 9 – 26% |
CH4 | CH4 | 4 – 9% |
O3 | O3 | 3 – 7% |
Ngoài ra còn các khí sulfur hexaflorua (SF6), hydrofluorocarbons (HFCs) và perfluorocarbons(PFCs).
Cacbon tương đương nghĩa là gì?
Các bạn có thể thấy ở trên có rất nhiều loại khí gây ra hiệu ứng nhà kính và mức độ ảnh hưởng nặng nhẹ của chúng cũng khác nhau. Do đó, chúng ta phải lập ra một thang đo để đánh giá mức độ nguy hiểm tiềm tàng của các loại khí này (giống như hệ thống mét để đo chiều dài, hệ thống gram để đo khối lượng), gọi là thang GWP (Global Warming Potential – “Tiềm năng làm nóng trái đất”). Ta quy ước chỉ số GWP của CO2 là 1, (tức tiềm năng làm nóng có giá trị = 1), thì các loại khí khác có sức mạnh như sau:
Loại khí | Vòng đời (năm) | Chỉ số GWP | Chỉ số GWP |
20 năm | 100 năm | ||
Methane | 12.4 | 84 | 28 |
Nitrous oxide (N2O) | 121 | 264 | 265 |
HFC-134a (hydrofluorocarbon) | 13.4 | 3710 | 1300 |
CFC-11 (chlorofluorocarbon) | 45 | 6900 | 4660 |
Carbon tetrafluoride (CF4) | 50000 | 4880 | 6630 |
Từ thang này, ta có thể quy đổi các loại khí khác ra thành lượng CO2 tương đương. Ví dụ, 1kg khí methan có tác động tương đương với 28kg CO2. Đây chính là ” CO2 tương đương”.
Tại sao chúng ta phải hiểu về Vết Cacbon?
Vết cacbon là một công cụ rất hiệu quả để đánh giá được mức độ ảnh hưởng của mỗi cá nhân, mỗi hoạt động đến sự nóng lên của trái đất. Bạn chắc chắn sẽ cực kỳ hốt hoảng khi biết được lượng khí thải của chính mình trong một năm. Có rất nhiều website để bạn có thể tính vết cacbon của mình như của: WWF, Nature Conservancy, … Hoặc bạn có thể hình dung bằng một số ví dụ như sau:
100 kWh điện tiêu thụ tương đương 50kg CO2
Dùng hết 1 bình xăng 3 lít tương đương 6.8kg CO2 , nếu 1 tuần bạn đổ 2 lần, tức 1 năm bạn thải ra 707kg CO2
Một chuyến bay Sài Gòn – Hà Nội tương đương 900kg CO2
(nguồn: https://timeforchange.org)
Đó là chưa kể đến những hoạt động ăn uống, mua sắm của bạn. Mỗi năm chúng ta phải thải ra ít nhất là hàng chục tấn CO2 (mỗi người). WWF đang cố gắng kêu gọi chúng ta giảm về 10.5 tấn CO2 mỗi năm vào năm 2020 và lý tưởng nhất là chúng ta có thể cắt giảm xuống chỉ còn 2 tấn mỗi năm, con số tối đa để có được một xã hội bền vững. Con số này gần như là bất khả thi với đại đa số dân thành thị.
Vậy là bạn có thể thấy gần như tất cả chúng ta, không ai là vô tội trước sự nóng lên toàn cầu.
Nếu bạn thực sự muốn chung tay góp phần làm giảm sự nóng lên của trái đất, hãy bắt đầu từ chính bản thân bạn, hãy tự đo và cắt giảm từ chính những hoạt động hàng ngày của bạn.