Dịch từ nguyên bản tiếng Anh “Damage from climate change will be widespread and sometimes surprising” – Tạp chí Economist
Tác động sẽ không chỉ dừng lại ở hạn hán, băng tan, và mùa màng thất bát.
Vào ngày 21 tháng 11 năm 2016, bang Victoria ở Úc đã phải hứng chịu một loạt các cơn giông sét. Đến cuối ngày hôm sau, 3.000 người đã phải nhập viện. Bão thường gây thương tích thông qua việc thổi bay nhà cửa, gây ngập đường, hoặc làm cháy nhà. Tuy nhiên trong trường hợp những cơn giông này, nguyên nhân thương tích về người lại là hen suyễn. Vào cuối giờ chiều ngày hôm đó, một cơn gió đặc biệt mạnh xuất phát từ cơn bão đã mang theo một đợt không khí lạnh chứa đầy phấn hoa, bụi, và các hạt nhỏ khác tràn khắp thành phố Melbourne. Chỉ vài giờ sau, dịch vụ cấp cứu của thành phố đã bị quá tải. Ít nhất mười người đã thiệt mạng.
Những ảnh hưởng xấu mà khí hậu và thời tiết mang lại đối với con người không phải lúc nào cũng cụ thể và đặc biệt như là đợt hen suyễn bất ngờ đó. Nhiều khi chúng là kết quả của rất nhiều yếu tố phức tạp, và không phải lúc nào ta cũng hiểu hết được cơ chế hoạt động của các yếu tố này. Không chỉ vậy, chúng còn có thể tương tác với nhau. Nếu thời tiết mùa xuân tại nam bán cầu vào năm 2016 không mang đến điều kiện thời tiết phù hợp cho sự phát triển của các loại cỏ gây dị ứng, thì các cơn giông buổi chiều hôm đó có gây tổn thất con người lớn đến như vậy không? Chính do những mối quan hệ phức tạp như vậy mà các thay đổi khí hậu nhỏ có thể dẫn đến các hậu quả đột ngột lên con người một khi tình hình vượt qua một ngưỡng nhất định. Và không phải lúc nào chúng ta cũng có thể dự đoán được ngưỡng đó nằm ở đâu.
Trong số các tác hại mà thời tiết gây ra cho con người ngày nay, không phải tất cả đều sẽ trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã cho thấy rằng nhiều tác hại trong số đó sẽ trầm trọng hơn khi biến đổi khí hậu tiếp diễn. Đa số các vấn đề mà con người gặp phải do khí hậu và thời tiết thường xuất phát từ các trạng thái cực đoan. Khi khí hậu trung bình có thay đổi nhỏ, các hình thái cực đoan có thể có thay đổi lớn (xem bảng dưới đây). Thời tiết hiếm gặp ngày nay có thể sẽ xảy ra như cơm bữa vào ngày mai, còn thời tiết hiếm gặp trong ngày mai thì không ai có thể dự đoán được.
Mức độ thiệt hại mà các thay đổi này gây nên đối với kinh tế và sức khỏe con người còn tùy thuộc vào việc khí hậu nóng lên bao nhiêu và con người sẽ thích nghi tốt đến thế nào, hai điều mà ngày nay chúng ta không thể biết được. Nhưng chúng ta vẫn có thể hình dung được bối cảnh bằng cách nhìn vào quy mô thời gian mà trong đó các ảnh hưởng khí hậu xảy ra. Về ngắn hạn thì có các cơn giông bão mang theo phấn hoa càn quét qua thành phố trong vòng vài phút; còn về dài hạn thì có sự dâng lên của mực nước biển, có thể kéo dài hơn bất kỳ nền văn minh nào trong lịch sử loài người.
Xét về ngắn hạn, điều xấu nhất có thể xảy ra sẽ là các cơn bão nhiệt đới. Đây là lý do vì sao bão đã trở thành một trong những đề tài nóng hổi trong cuộc tranh luận về biến đổi khí hậu. Bão có thể gây nên thiệt hại trị giá hơn 100 tỷ đô-la, như là cơn bão Harvey lúc nó đổ bộ vào Houston vào tháng 8 năm 2017, hoặc có thể giết chết hàng ngàn người, như cơn bão Maria ở Puerto Rico vào tháng 9 cùng năm.
Bão nhiệt đới chỉ có thể hình thành ở trên biển khi nhiệt độ bề mặt là 27°C hoặc cao hơn. Khi trái đất nóng lên, hiển nhiên là các vùng có thể đạt được điều kiện như vậy cũng sẽ nhiều hơn. Thế nhưng không có nghĩa là bão sẽ xảy ra thường xuyên hơn. Để bão hình thành, tốc độ gió gần bề mặt trái đất và ở trên cao cũng cần phải tương đương nhau, và theo các mô hình giả lập thì tại nhiều nơi mà bão thường xảy ra, điều kiện này sẽ trở nên hiếm gặp hơn trong tương lai. Do đó, các dự báo không cho rằng là số lượng bão nhiệt đới sẽ tăng đáng kể, và thậm chí còn cho rằng sẽ có ít bão ở Đại Tây Dương hơn.
Nhưng nhiệt độ biển tăng lên sẽ khiến cho các cơn bão nhiệt đới sẽ trở nên mạnh hơn. Do đó, các chuyên gia nhìn chung đều đồng ý rằng tỷ lệ các cơn bão mạnh đến mức độ siêu bão sẽ gia tăng. Lượng mưa kèm theo bão cũng sẽ tăng theo, bởi vì không khí ấm chứa được độ ẩm cao hơn. Các nghiên cứu về các trận ngập lụt do bão Harvey gây ra cho thấy rằng hiện tượng trái đất nóng lên đã làm tăng 15% lượng mưa của cơn bão này. Trên toàn cầu, những vùng ấm đã ghi nhận nhiều trận mưa dữ dội hơn.
Trong khi trên biển bão mạnh lên do nhiệt độ tăng cao, thì trên đất liền cùng sự gia tăng này lại có thể trực tiếp làm chết người. Con người giảm thân nhiệt bằng cách toát mồ hôi, và không khí mà càng ẩm thì quá trình này sẽ càng kém hiệu quả. Để phản ánh điều này, các nhà khoa học đã kết hợp nhiệt độ không khí và độ ẩm không khí để thành “nhiệt độ bầu ướt”, tức nhiệt độ thấp nhất mà quá trình làm mát bằng bay hơi có thể đạt được. Nhiệt độ bầu ướt từ 35°C trở lên là chết người.
Cho đến gần đây, quan niệm chung cho rằng quá trình nóng lên toàn cầu phải tiếp diễn vài thập kỷ nữa thì mới có được nhiệt độ bầu ướt cao như thế. Tuy nhiên, sau khi xem xét lại dữ liệu các trạm khí tượng thủy văn từ năm 1979 trở đi, chúng ta đã phát hiện ra rằng trong những khoảng thời gian rất ngắn, nhiệt độ bầu ướt địa phương tại Đông Nam Á, Vịnh Ba Tư, và ven biển tây nam châu Mỹ đã đôi lúc gần đạt tới ngưỡng chết người ấy, và ngày nay tần suất điều này xảy ra đã tăng gấp đôi so với năm 1979. Nếu biến đổi khí hậu đạt đến mức 2,5°C nóng hơn nhiệt độ thời tiền công nghiệp – một điều hoàn toàn có thể xảy ra vào nửa sau thế kỷ này nếu chúng ta không cắt giảm khí thải mạnh tay – thì điều kiện chết người này sẽ trở nên thường gặp ở một số vùng cận nhiệt đới ẩm ướt.
Một nghiên cứu gần đây khác đã xác định các loại khí hậu phù hợp cho con người dựa trên các vùng mà con người đã từng sinh sống trong quá khứ, và rồi xem xét rằng những vùng đó di chuyển như thế nào khi trái đất nóng lên. Họ thấy rằng nhiệt độ toàn cầu tự đoán vào năm 2070 hoàn toàn có khả năng khiến cho nhiều nơi có người sinh sống hiện nay sẽ phải hứng chịu các điều kiện khí hậu không như bất kỳ nơi nào mà con người đã từng sống sót được trong quá khứ (xem bản đồ). Một số phân tích kinh tế lượng dựa trên dữ liệu hàng năm đã cho thấy rằng nhìn chung, nhiệt độ cao hơn sẽ dẫn đến năng suất lao động thấp hơn và bạo lực nhiều hơn.
Xét về tương lai gần thì khả năng xảy ra các đợt nắng nóng sẽ gia tăng. Từ giữa ngày 3 đến ngày 16 tháng 8 năm 2003, số người chết ở châu Âu đã cao hơn 39.000 so với dự đoán dựa trên dữ liệu các năm trước. Chênh lệch này là do mùa hè năm đó đã là một mùa hè nóng kỷ lục, với một số nguồn thậm chí cho rằng là kỷ lục trong suốt 500 năm. Các mô hình dự báo cho rằng là ngay cả vào năm 2003, biến đổi khí hậu cũng đã làm tăng gấp đôi khả năng xảy ra một đợt nắng nóng như vậy.
Các đợt nắng nóng cực độ đang càng lúc càng thường xuyên hơn không chỉ vì nhiệt độ toàn cầu tăng. Sự nóng lên tạo ra những thay đổi trong hệ thống khí hậu có thể làm yếu đi quy trình lưu thông thời tiết toàn cầu, qua đó khiến cho điều kiện thời tiết địa phương trở nên cố định hơn. Sự cố định này có thể sẽ khiến một tuần nóng trở thành một tháng chết người, hay một đợt không khí lạnh trở thành một cơn rét sâu băng giá.
Mùa xuân và thu hoạch
Mùa hè nóng cũng có thể gây hại cho cây trồng một cách trực tiếp – nhiều cây trồng quan trọng rất nhạy cảm với nhiệt độ cao – hoặc gián tiếp do thiếu nước. Mùa đông ít lạnh hơn cũng có thể gây hại vì các loài sâu bọ hại cây có thể sống sót nhiều hơn, qua đó làm giảm sản lượng.
Khi thời tiết nóng và khô bất thường hút hơi ẩm ra khỏi đất, các cơn hạn hán sau đó không chỉ làm các nông dân điêu đứng, mà chúng còn làm tăng nguy cơ và mức độ cháy rừng. Cộng với tần suất sét đánh cao hơn, và kết quả là cháy rừng sẽ xảy ra thường xuyên hơn ở một số vùng trên trái đất. Đây là một vấn đề không chỉ ở những nơi ấm, dễ cháy rừng như Úc. Trong vài tháng mùa hè năm 2019, nhiều vạt rừng rộng lớn ở phía bắc nước Nga và Canada – và thậm chí cả một số cánh rừng ít ỏi của Greenland – đã cháy trụi.
Bang California đã phải hứng chịu các đợt cháy rừng bất thường trong suốt nhiều năm, và nguyên nhân vẫn là do thời tiết khô, nóng. Thời tiết này cũng đang làm cạn các sông, hồ, và nước ngầm ở khắp khu vực tây nam của bang. Đây không phải là một cơn hạn hán thông thường. Cơn hạn hán này đã diễn ra suốt 19 năm, đủ để nó được mệnh danh là một cơn “đại hạn hán”.
Các dữ liệu tuổi thọ cây cho thấy rằng trong suốt 1.200 năm qua, khu vực này chỉ trải qua bốn cơn đại hạn hán như thế, và cơn đại hạn hán hiện nay có thể tương đương với lần hạn hán tệ nhất từng xảy ra vào thế kỷ 17. Các cơn hạn hán như vậy có liên quan đến sự thay đổi dòng chảy luân chuyển của các đại dương. Các mô hình cho thấy rằng bản thân những luân chuyển này cũng bị ảnh hưởng bởi sự nóng lên, qua đó làm ảnh hưởng đến tần suất xảy ra những sự thay đổi khí hậu quy mô lớn khác trong vùng lân cận.
Và cuối cùng là sự biến đổi lâu dài nhất: mực nước biển. Nước biển dâng lên thông qua ba cơ chế khác nhau – biển phình ra do hấp thu nhiệt, các tảng băng trên đất liền tan ra, và các dải băng (như những dải băng ở Nam Cực và Greenland) vỡ ra. Hai yếu tố đầu thì đang làm nước biển dâng lên 1cm mỗi ba năm, và tốc độ này vẫn sẽ giữ nguyên qua suốt thế kỷ 21 ngay cả khi sự nóng lên toàn cầu được kiềm chế ở mức dưới 2°C – nước biển đã nóng lên qua thời gian rất lâu, do đó cũng phải rất lâu thì quá trình này mới chậm lại. Mực nước biển tăng lên sẽ làm xói mòn các bờ biển và gây ngập lụt, nhất là khi nước biển bị tạt vào đất liền do những cơn bão mạnh.
Tuy nhiên, yếu tố khó đoán nhất, khi chúng ta xem xét về quy mô thời gian thế kỷ, chính là ở các dải băng trôi. Các quan điểm chung cho rằng là có những ngưỡng nhất định, và một khi đạt đến những ngưỡng đó thì các dải băng sẽ bước vào giai đoạn dần dần tan vỡ ra – một quá trình không thể ngừng lại được một khi đã xảy ra – và sẽ làm tăng mực nước biển lên nhiều mét. Thế nhưng không ai biết chính xác được những ngưỡng này là ở đâu. Thậm chí ngay cả khi sự nóng lên toàn cầu được giảm xuống mức chỉ cao hơn 1.5°C so với thời tiền công nghiệp, chúng ta có thể vẫn sẽ vượt qua các ngưỡng đó.
Hạn hán và mất mùa; biến đổi khí hậu có thể tàn phá các nền kinh tế; bão càng lúc càng mạnh về sức gió và lượng mưa; nước biển nhấn chìm các bãi biển và thâm nhập vào tầng nước ngầm: đây là những tác hại đáng lo ngại của biến đổi khí hậu mà chúng ta đã dự đoán được. Nhưng không chỉ có thể, còn rất nhiều những tác động khác mà chúng ta chưa biết đến. Ngoài các dải băng trôi, vốn đã là một câu hỏi đầy sức nặng, vẫn còn những ngưỡng vô hình khác có sức mạnh làm thay đổi các dòng hải lưu hay bành trướng sa mạc. Đó cũng chỉ mới là điều chúng ta biết chúng ta chưa biết, và vẫn còn đó những vấn đề chúng ta không hề biết chúng ta không biết: những dấu chấm hỏi bất thình lình và chết chóc như cơn bão giết người bằng hạt phấn hoa.